Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Những dấu hiệu bệnh liên quan đến Tiểu Trường và Tam Tiêu


A-CHỨNG BỆNH CỦA TIỂU TRƯỜNG

Chứng tiểu trường hư: (205)

Đau nửa đầu phía sau tai, tai ù điếc, mắt vàng.

Chứng tiểu trường thực: (206)

Lở mụn ở miệng, cổ sưng cứng đơ, mình nóng ra mồ hôi, đau bụng dưới, bức rứt bực bội.

Chứng tiểu trường hư hàn : (207)

Bụng đau, đại tiện phân chảy lỏng sống sít, tiểu lắt nhắt không thông (hư) , rêu lưỡi đỏ nhạt, nếu nước tiểu trong (hàn) thì rêu lưỡi trắng mỏng. Phần nhiều có dấu hiệu tỳ hư như đau bụng âm ỉ, sôi bụng, ưa xoa bóp, tiểu vặt khó đi.

Chứng tiểu trường thực nhiệt: (208)

Nhiệt nung nấu ở tiểu trường làm tâm phiền, tai ù, họng đau, miệng lở, bụng rốn đầy cứng, trung tiện được mới dễ chịu, lòng phiền táo, tiểu đỏ rít đau ống dẫn tiểu, hoặc tiểu ra máu, lưỡi đỏ rêu vàng.

Chứng tiểu trường khí thực: (209)

Tiểu trường khí thực làm căng trướng đau vùng bụng rốn, eo lưng, xương sống và dịch hoàn, xen ớn lạnh phát nóng, bí đại tiện, rêu lưỡi trắng.

Chứng tiểu trường ung : (210)

Do thấp nhiệt, khí trệ, huyết ứ, lưu trú ở ruột non làm đau có cứng bụng dưới gần huyệt Quan Nguyên đè có điểm đau khiến bệnh nhân phải co gấp chân trái để giảm bớt đau, sốt nóng lạnh tự ra mồ hôi, tiểu tiện khó khăn, đi ít một, nước tiểu đỏ.

Chứng hồ sán phong: (211)

Là tiểu trường sa xuống âm nang, một loại thoát vị bẹn lúc co lúc thòng, thò thụt như con chồn (hồ sán) .

B-BỆNH CHỨNG CỦA TAM TIÊU

Chứng tam tiêu bệnh : (212)

Phần nhiều bệnh chứng của tam tiêu là chứng ôn nhiệt do ngoại cảm và nội nhiệt trong tạng phủ phụ thuộc vào các kinh có bệnh của 3 vùng thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu. Ngoại cảm ôn bệnh thời kỳ đầu truyền vào thượng tiêu, thời kỳ giữa truyền vào trung tiêu hoặc nghịch truyền lên tâm, thời kỳ cuối truyền vào hạ tiêu. Bệnh truyền từ trên xuống dưới, và từ ngoài vào trong đi từ vệ phần vào doanh phần vào huyết phần khác nhau có những dấu hiệu lâm sàng riêng, khi phân biệt được mới biết cách chữa đúng để đẩy tà khí ra, nếu chữa lầm sẽ đem tà khí vào sâu trong cơ thể làm bệnh trở nặng thêm.

Do thượng tiêu:

Phế âm làm bệnh có dấu hiệu phát sốt, sợ lạnh, ra mồ hôi, đau đầu, ho.

Tâm bào làm bệnh có dấu hiệu hôn mê, nói nhảm , nói đớ lưỡi, chân tay lạnh, chất lưỡi đỏ tía.

Do trung tiêu:

Vị kinh làm bệnh có dấu hiệu sốt không sợ lạnh, khát nước, ra mồ hôi.

Tỳ kinh làm bệnh có dấu hiệu mình nóng bức rứt, thân đau mỏi nặng nề, ngực đầy khó chịu, lợm giọng, rêu lưỡi nhớt.

Do hạ tiêu:

Thận kinh làm bệnh có dấu hiệu mình nóng, mặt đỏ, lòng bàn tay bàn chân nóng hơn mu bàn tay bàn chân, tâm phiền táo khó ngủ, môi nứt nè, lưỡi khô.

Can kinh làm bệnh có dấu hiệu nhiệt càng tăng cao, hồi hộp, sợ, chân tay máy động co giật.

Chứng tam tiêu hư: (213)

Thiếu khí, hô hấp yếu, lạnh bụng. Phải phân biệt hư do phần nào như vệ phần, doanh phần, huyết phần, ở thượng, trung hay hạ tiêu, ở tạng phủ nào bằng những dấu hiệu lâm sàng khi chẩn đoán bệnh.

Chứng tam tiêu hư hàn : (214)

Theo dấu hiệu hư hàn của thượng tiêu chỉ tâm, phế hư hàn, của trung tiêu chì tỳ vị hư hàn, của hạ tiêu chì can thận hư hàn. Hạ tiêu hư hàn là một trong những nguyên nhân của bệnh thủy thủng.

Chứng tam tiêu thực: (215)

Sưng viêm họng, thành quan, amygdale, đau sau tái, khóe mắt, ù tai, đầu mặt nóng đỏ, ra mồ hôi, bụng dưới cứng đầy. Phải tìm theo dấu hiệu lâm sàng của tạng phủ nào thực và nguyên nhân do âm hay dương làm bệnh.

Chứng tam tiêu thực nhiệt : (216)

Là chứng thực nhiệt ở khí phần. Hoặc thượng tiêu thực nhiệt do tâm phế bị thực nhiệt, trung tiêu thực nhiệt do tỳ vị bị thực nhiệt, hạ tiêu thực nhiệt do can thận bị thực nhiệt.

Chứng tam tiêu khái : (217)

Khi ho thì bụng trướng đầy không muốn ăn uống.