Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Những dấu hiệu bệnh liên quan đến Tỳ-Vị

A-BỆNH CHỨNG CỦA TỲ

Chứng tỳ khí hư : (218)

Do tỳ khí hư nhược ở tạng người yếu, hoặc lao động vất vả, lại ăn uống kém, hoặc tỳ âm không đủ, có dấu hiệu tiêu hoá kém, bụng đầy, sôi bụng tiêu chảy, bệnh mạn tính làm vàng da, trung tiện, ăn ngủ không ngon, ăn không tiêu, hễ ăn vào bị trướng bụng, nặng nề mệt mỏi, tiêu chảy, gầy ốm, sắc mặt vàng héo hoặc trắng, hơi phù do suy dinh dưỡng, tứ chi lạnh, hay nằm, lười nói, không thích vận động, lưỡi nhợt nhạt rêu trắng.Tỳ hư mạn tính làm ra chứng nhục cực gây ra bệnh cơ bắp mềm yếu, uá vàng, teo nhỏ.

Khi điều trị, phân biệt hai trường hợp :

Do chức năng tỳ mất vận hóa thì có dấu hiệu bụng đầy, mạch hư.

Do Tỳ hư hạ hãm thì có dấu hiệu tiêu chảy, lỵ, sa xệ các nội tạng, mạch hư nhược.

Chứng tỳ âm hư : (219)

Là chỉ tỳ và vị âm hư có nghĩa âm dịch ở tỳ vị không đủ để làm nhiệm vụ thu nạp và chuyển hoá, có dấu hiệu môi miệng khô, miệng nhạt vô vị, ăn kém, thích uống nước, đại tiện táo kết, lưỡi đỏ, rêu ít và khô hoặc lưỡi sáng trơn.

Chưng tỳ dương hư : (220)

Là chỉ tỳ vị hư hàn, do tỳ khí hư hoặc do ăn thức ăn nguội lạnh, có dấu hiệu vị quản lạnh đau, bụng đầy trướng, mắc nghẹn, nôn oẹ, kém ăn, iả chảy hoặc lỵ kéo dài mệt mỏi, tiểu ít, phù thủng, gầy còm, lưỡi nhợt nhạt, rêu trắng, thường gặp ở bệnh loét bao tử, loét ruột, viêm gan mạn tính, lỵ mạn tính, thủy thủng, bạch đới.

Chứng tỳ hư do giun: (221)

Ăn nhiều vẫn gầy, đầy và đau bụng quanh rốn, ợ hơi.

Chứng tỳ thực : (222)

Bụng căng có nước trong ổ bụng làm khó thở, ngực nặng, bức rứt tim, cẳng chân nóng, trúng thực nôn mửa, chân tay gầy nhưng cảm thấy nặng nề, mỏi bắp thịt, miệng khô, cổ khát sinh bệnh tiêu khát, đái láu, tiểu đường.

Chứng tỳ hàn : (223)

Rối loạn tiêu hóa, iả chảy nước trong, ăn không tiêu đầy trướng, đờm nhiều, ngắn hơi khó thở, mình nặng nề, tứ chi lạnh.

Chứng tỳ hàn thấp : (224)

Do ăn uống thức ăn lạnh hoặc do cảm mưa lạnh, khí hậu ẩm thấp hại tỳ, có dấu hiệu bụng trướng, buồn nôn, phân lỏng, tiểu ít, phụ nữ ra huyết trắng nhiều.

Chứng tỳ nhiệt : (225)

Môi đỏ, họng khô, ợ chua, chóng đói, chân răng sưng chảy máu, mồ hôi trộm, đại tiện bí kết, tiểu ít, nước tiểu vàng đậm do nhiệt tà hoặc do ăn nhiều thức táo nhiệt gây nên nhiệt chứng hoặc do viêm nhiễm ở gan mật ruột làm nhiệt khiến bao tử nóng.

Chứng tỳ bị thấp tà : (226)

Đầu nặng như đè, bụng trướng đầy, không thích uống nước, thân nặng nề mệt mỏi, phiền muộn, không đói, miệng đầy nhớt có vị ngọt, iả chảy, bí tiểu, mạn tính sinh bệnh vàng da, lưỡi ướt nhầy, rêu lưỡi trắng trơn.

Chứng tỳ thấp nhiệt : (227)

Do nhiễm vi khuẩn, virus, có dấu hiệu sốt, vàng da.

Chứng tỳ vị thấp nhiệt : (228)

Thấp nhiệt nung nấu ở tỳ vị có dấu hiệu mặt và thân thể đều vàng, bụng trướng, căng tức, trung quản tức đau, ăn uống giảm, lợm giọng, mệt mỏi, tiểu ít mà vàng nghệ, rêu lưỡi vàng nhớt, thường gặp ở bệnh viêm gan, vàng da, các bệnh cấp tính về gan mật, bệnh ngoài da như thấp chẩn, bỏng rạ...

Chứng tỳ khí hư (hạ hãm): (229)

Có dấu hiệu mệt mỏi, uể oải thích nằm, chân tay yếu sức, thân gầy hoặc phù, ăn uống kém, khó tiêu, bụng trướng đầy, iả lỏng, nặng thì đại tiểu tiện ra máu, mặt vàng héo, chóng mặt, rêu lưỡi trắng nhạt, thường gặp ở bệnh loét bao tử, đường ruột, lỵ mạn tính và bần huyết.

Chứng tỳ khí bất nạp : (230)

Chức năng tiêu hóa kém do can khí, do thấp tà làm hại tỳ dương, do ăn uống không phù hợp với tình trạng khí hóa của tỳ làm tổn thương tỳ vị bị ủng trệ làm vùng bụng và trung quản căng đầy trướng tức không tiêu hóa được sinh chán ăn.

Chứng tỳ khí bất thăng : (231)

Chức năng tỳ khí không đưa dưỡng trấp lên tâm phế để hóa huyết do thấp trọc thực trệ làm trở ngại, hoặc trung khí không đủ, dưỡng trấp bị hóa đờm hoặc hóa mỡ ở tại trung tiêu nơi màng bụng.

Chứng tỳ dương bất túc (tỳ dương hư ) : (232)

Đau bụng ngầm thích xoa, thích uống nước nóng, ăn không tiêu, hễ ăn thức ăn sống lạnh đau bụng ngay, nước phân trong, chi gầy, thân nặng nề, phù thủng, mệt mỏi, da không ấm, sợ lạnh , tiểu bí, lưỡi dầy rêu trắng nhạt.

Chứng tỳ hư thấp khổn : (233)

Tỳ hư yếu sẵn lại do nội thấp ngăn trở, còn gọi là tỳ ố thấp nên chức năng vận hóa và điều hành dịch chất cho bao tử hoạt động giảm, không dẫn được thủy dịch lưu thông khiến thủy dịch ứ đọng tràn đầy, nếu thấp thắng thì cơ nhục phù thủng, ăn vào bị đầy không tiêu muốn ói ra, miệng lưỡi đầy, không khát, chân tay mỏi nặng nề, iả lỏng, rêu lưỡi dầy nhớt, thường gặp ở bệnh viêm gan, ruột mạn tính.

Chúng tỳ cam : (234)

Là một trong 5 chứng cam ở trẻ em do bú mớm không điểu độ, có dấu hiệu da vàng uá, bụng to như cái trống nổi gân xanh, ói mửa, biếng ăn, hay ăn đất, ăn không tiêu, không nạp, hung cách đầy, phiền khát, ho suyễn, khô mũi miệng, mắt có màng trắng, sợ ánh sáng, tay chân mỏi, môi nứt nẻ.

Chứng tỳ khái : (235)

Khi ho đau rát ở hạ sườn phải, lan tỏa tới vai lưng thậm chí không cử động được, nếu cử động thì ho dữ dội.

Chứng tỳ không nhiếp huyết : (236)

Chức năng tỳ khí hư không quản lý vận hành huyết theo kinh mạch, nên huyết đi tràn ra ngoài kinh có dấu hiệu xuất huyết ở các bệnh băng lậu, kinh nguyệt ra nhiều, chảy máu cam, chảy máu dưới da, đại tiện ra huyết, chứng bần huyết, nổi ban đỏ, giảm huyết sắc tố...

Chứng tỳ lao : (237)

Mất cơ nhục, gầy, chân tay mỏi, ăn không vào vì đầy bụng, đại tiện lỏng nhão do nguyên nhân tinh thần lo nghĩ, do vật chất ăn uống no đói thất thường, cả hai đều làm thương tổn tỳ.

Chứng tỳ phế lưỡng hư : (238)

Là tỳ hư phế yếu, vì tỳ không nuôi phế, phế cũng hư luôn không còn khả năng chuyển hóa dưỡng trấp hóa huyết nuôi toàn thân, có dấu hiệu sắc mặt trắng nhợt, tay chân không ấm, kém ăn, iả nhão, rêu lưỡi trắng, thường gặp ở bệnh lao phổi, viêm phế quản mạn tính, rối loạn tiêu hóa mạn tính.

Chứng tỳ thận dương hư : (239)

Có dấu hiệu tay chân lạnh, iả lỏng, phù thủng, do thận dương hư không làm ấm tỳ dương.

Chứng tỳ thất kiện vãn : (240)

Tỳ chủ vận hóa dưỡng trấp và thủy dịch, nếu tỳ dương hư làm mất chức năng kiện vận làm rối loạn tiêu hóa, sôi bụng, iả chảy, kém ăn. Bệnh mạn tính có dấu hiệu mặt vàng, teo cơ, chân tay vô lực, hoặc dưỡng trấp hóa đờm, hoặc thủy bị ứ thành phù thủng.

Chứng tỳ thủy : (241)

Là một trong 5 chứng thủy, có dấu hiệu bụng to, thiếu hơi, tiểu khó, chân tay nặng nề.

Chứng tỳ tí : (242)

Là một trong năm chứng tí của ngũ tạng, có dấu hiệu tứ chi mỏi, ngực khó chịu, ho, nôn ra nước dãi trong, đau các cơ bắp.

Chứng tỳ ước : (243)

Thiếu tân dịch do tỳ mất chức năng vận hoá, khí hư không hoá được dịch chất nên đại tiện khô táo khó bài tiết.

B-BỆNH CHỨNG CỦA VỊ

Chứng vị hư : (244)

Bụng no, ợ hơi, sôi ruột, không thích ăn, vì ăn vào không tiêu sẽ bị tiêu chảy, mặt sưng húp, khô môi miệng, tân dịch khô, huyết kiệt gây nấc cục, nghẹn, sợ lạnh, chân lạnh, người nặng nề dễ mệt, lưỡi nhạt, rêu ít, giữa lưỡi rách nứt.

Chứng vị âm hư : (245)

Tỳ có thấp nhiệt làm tổn thương âm chất do vị hỏa thịnh làm vị âm bất túc gọi là vị âm hư khiến môi miệng khô ráo, ăn không biết ngon hoặc đói bụng mà không muốn ăn, oẹ khan và nấc, đại tiện táo, tiểu sẻn, có sốt nhẹ, giữa lưỡi đỏ khô, rêu ít, do bệnh nhiễm trùng, sốt làm tổn thương tân dịch sinh ra vị khí yếu, thường gặp ở bệnh viêm phổi, viêm dạ dầy mạn tính, rối loạn tiêu hoá, bệnh tiểu đường.

Chứng vị khí hư : (246)

Chức năng thu nạp và chuyển hoá kém, ăn vào đầy bụng, muốn ăn nhưng nuốt không vào làm mất sức, đại tiện lỏng, môi trắng nhạt, sắc lưỡi nhạt.

Chứng vị khí không giáng : (247)

Vị khí giáng là thuận, nhưng vị do ăn uống làm tổn thương có nhiều hoả khí hoặc có nhiều đờm thấp ngăn trở không giáng được có khi thượng nghịch lên tâm, có dấu hiệu chán ăn, vị đầy trướng, ợ hơi, nấc nghẹn, ói.

Chứng vị hàn : (248)

Là vị dương hư, trong vị có hàn khí làm ói mửa nước dãi lạnh trong, miệng nhạt, ưa uống nước nóng, tay chân lạnh, vùng trung quản đau kịch liệt ưa xoa nắn, ưa thích chườm nóng, do ăn uống thức ăn có chất hàn lạnh gây ra, mỗi khi ăn thức ăn sống lạnh càng đau nhiều, lưỡi trơn rêu trắng.

Chứng vị nhiệt : (249)

Do ngoại cảm làm nóng sốt, do vị dương mạnh hoặc do ăn uống nhiều chất táo nhiệt như cay, ngọt, béo nhiều khiến khát nước, ưa uống nước lạnh, miệng lở, trồi răng, chân răng sưng, sưng nướu răng chảy máu, hôi miệng, xót dạ, thành bao tử đau rát, mau đói ngực bụng sợ nóng, đại tiện khô, phân ra từng cục, lưỡi đỏ rêu vàng khô, ít nước miếng.

Chứng vị thực nhiệt : (250)

Bao tử thực nhiệt tích uất lâu ngày ở ruột già làm phân khô kết trong ruột nổi cục đau khiến bí đại tiện, rêu lưỡi vàng dầy khô.

Chứng vị nhiệt ách nghịch : (251)

Giống như nấc cục nhưng phát ra tiếng nhỏ, gặp nóng ít nấc, gặp lạnh nấc nhiều hơn, kém ăn, đại tiện lỏng, tiểu trong nhiều, chân tay không ấm, rêu lưỡi trắng trơn.

Chứng vị nhiệt sát cốc : (252)

Chứng háu đói ăn mau tiêu, vị nhiệt khiến chức năng chuyển hoá thức ăn mau nhừ nhuyễn tiêu hoá nhanh, trong bao tử lại trống rỗng thành mau đói.

Chứng vị tiêu : (253)

Do vị có nhiều hỏa ăn mau đói, dễ tiêu nhưng làm hết chất tinh vi của thủy cốc, thương tổn tinh huyết nên vẫn gầy, đại tiện táo kết, tiểu vàng, ít, rêu lưỡi vàng khô.

Chứng vị nhiệt úng thịnh : (254)

Vị bị nhiệt nghiêm trọng sinh phiền khát, thích uống nhiều nước lạnh, miệng lở hôi, sưng chân răng, nóng rát trung quản, tiểu sẻn đại tiện bí, nếu do ngoại cảm sẽ sốt hôn mê nói nhảm, cuồng táo, chất lưỡi đỏ, rêu vàng dầy.

Chứng vị thống : (255)

Là chứng tâm hạ thống, đau vùng vị quản, do ăn uống không điều độ kéo dài, hoặc do thần kinh bị kích thích, làm can vị bất hòa, vị khí uất trệ, từ khí trệ sang huyết ứ trệ, trên lâm sàng chia hai nguyên nhân khác nhau có dấu hiệu lâm sàng khác nhau :

Do can vị bất hòa :

Có dấu hiệu vị quản trướng đầy đau lan đến sườn làm tâm phiền muộn dễ nổi cáu, ứa nước chua, miệng đắng do hỏa uất, nếu ứ huyết đại tiện ra phân đen.

Do tỳ vị hư hàn :

Vị quản đau âm ỉ, ưa xoa bóp, nôn ra nước trong, chân lạnh, phân ra không thành khuôn.

Chứng vị thực : (256)

Do bội thực, do ăn uống không điều độ, trường vị ứ đọng thức ăn, tích nhiệt tổn thương âm làm vị khí ứ trệ, bụng trướng đầy đau, ăn không tiêu, ợ chua, ợ hơi, thở hôi mùi thức ăn, không muốn ăn, bón hoặc tiêu chảy nhiều lần mỗi lần ra ít một có mùi hôi gắt, người nóng không có mồ hôi, khô môi miệng, đau đầu trước trán, sưng đau thấp khớp, ung thư vú, lưỡi khô rêu vàng.

Chứng vị trung táo thực : (257)

Phân kết thành cục trong ruột vì trong vị có nhiều táo khí thực nhiệt.