Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Bài 443 : Vấn đề thực dưỡng Gạo Lức Muối Mè Tốt Hay Xấu cho sức khỏe.

Kính nhờ Thầy chỉ dẫn áp dụng Khí Công Y Đạo cho trẻ em và Vấn Đề Thực Dưỡng.

Kính gửi Thầy Đỗ Đức Ngọc,

Đầu thư em kính chúc Thầy luôn khỏe mạnh, luôn tinh tấn và luôn được thuận lợi trên bước đường thực hiện “đại nguyện” giúp đỡ chúng sanh của Thầy ah. Thầy luôn là tấm gương sáng để chúng em noi theo, để tiếp tục sống và cống hiến có ích cho đời Thầy ah.

Thầy ơi, tuy em được biết Thầy cách đây không lâu (trước tết nguyên đán 2012 khoảng gần 1 tháng) nguyên do bé nhà em bị ốm nên em hỏi han bạn bè, tìm kiếm thông tin trên mạng nên đã biết được môn học tuyệt vời của Thầy (em luôn ước ao tìm được một phương pháp cho bé tự luyện tập để nâng cao sức khỏe ah) và từ đó đến nay bé nhà em hơn 5 tuổi đã không còn ốm vặt, cảm cúm nữa ah. Hàng ngày bé tập động công buổi sáng, trưa và tối trước khi đi ngủ bé tập kéo gối thở ra làm mềm bụng 50 lần và nạp khí trung tiêu 2 lần ah. Vậy là bé đã được Thầy tặng cho phương pháp hữu hiệu để duy trì và tăng cường sức khỏe rồi. Em và gia đình rất mừng ah. Em cảm ơn Thầy rất nhiều ah.

Thầy ơi, khi áp dụng đo huyết áp cho cháu thì em thấy huyết áp của cháu lọt vào tiêu chuẩn huyết áp thiếu nhi: 95-100/60-65mmHg, nhưng nhịp tim của cháu lại rất nhanh so với chuẩn: luôn từ 80-100 lần/ phút Thầy ah. Ban đầu em rất lo và tìm mọi cách để hạ nhịp tim cho cháu như là cho bé ăn đồ mát, nhiều rau hơn, uống sắn dây… (vì em nghĩ là do cháu bị nhiệt) nhưng vẫn không thể thấp hơn được ah.

Sau đó em có tham khảo tiếp các tài liệu của Thầy thì đọc được các tiêu chuẩn sau ah:

“Tiêu chuẩn áp huyết theo tuổi ở trẻ em :

Tuổi từ 0-1 áp huyết 70-90/51 mmHg mạch 110-160, hơi thở 30-40 hơi/1 phút

Tuổi từ 1-2 áp huyết 80-95/58 mmHg mạch 100-150, hơi thở 25-35 hơi/1 phút

Tuổi từ 2-5 áp huyết 80-100/58 mmHg mạch 95-140, hơi thở 25-30 hơi/1 phút

Tuổi từ 5-9 áp huyết 90-105/62 mmHg mạch 80-120, hơi thở 20-25 hơi/1 phút

Tuổi từ 10-14 áp huyết 100-107/69-74 mmHg mạch 60-100 hơi thở 15-20 hơi/1 phút”

1-Vậy nếu như áp dụng theo bảng tiêu chuẩn này thì bé nhà em vẫn lọt trong tiêu chuẩn tốt ah. Từ đó em đã bớt lo hơn nhưng em thấy trong các bài trả lời chung cho người lớn thì Thầy vẫn để lại tiêu chuẩn: Tuổi từ 5-12 áp huyết 95-100/60-65mmHg mạch 60 ah. Em cũng đã giới thiệu môn học của mình cho bạn bè. Họ cũng có con nhỏ giống em và cũng đang băn khoăn về vấn đề nhịp tim của con giống như em. Em kính nhờ Thầy giúp đỡ để có được tiêu chuẩn đúng áp dụng cho con và phổ biến cho mọi người ah. Em cảm ơn Thầy nhiều ah.

2-Thầy kính, qua tham khảo rất nhiều bài viết của Thầy. Em cũng được biết Thầy cũng đã áp dụng và có kinh nghiệm về phương pháp thực dưỡng Ohsawa nên nhân đây em kính xin Thầy tư vấn thêm giúp em về phương pháp này ah. Em luôn ý thức được rằng cái vốn quý nhất của con người là sức khỏe, có sức khỏe mới có được tất cả, mới sống có ích và yêu thương mọi người. Vì vậy nên em tìm hiểu mọi điều về sức khỏe để áp dụng cho gia đình ah. Từ khi biết được phương pháp thực dưỡng này, biết đến những mối nguy hại mà những đồ ăn thức uống nhiều chất phụ gia, bảo quản mà cuộc sống hiện đại đang phải hứng chịu, biết được thức ăn tốt nhất cho con người mình là ngũ cốc nguyên cám, thức ăn chay tịnh để phát triển tâm linh và nếu như còn ăn đạm động vật thì chỉ nên ăn ít thôi, vậy là em đã áp dụng cho cả nhà. Sức khỏe của cả nhà em đã khá hơn nhiều thầy ah. Cả nhà ít ốm hơn, làm việc dẻo dai hơn, cơ thể nhẹ nhàng hơn, nhưng bé nhà em 5 tuổi đã sút cân và em cảm nhận là khó lên cân lại, em cho bé ăn nhiều đạm động vât hơn thì bé có triệu chứng biếng ăn và ăn ít hơn, vậy là em đang áp dụng làm đậu phụ ở nhà để cho bé ăn Thầy ah. Em rất lo cho bé vì bé đang ở độ tuổi phát triển cao, nếu như mình không áp dụng đúng đắn thì sẽ rất ảnh hưởng không tốt cho bé sau này ah.

3-Ngoài ra, em cũng đang có bé trai nhỏ 11 tháng tuổi, hiện bé đang ăn dặm, em mới chỉ cho cháu ăn cháo gạo lứt nấu nhuyễn rồi rây mịn thôi ah, em vẫn chưa dám cho bé ăn đạm động vật cũng như nêm mặn vì sợ ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa còn non của cháu ah. Khi so sánh cách nuôi khác nhau giữa hai cháu thì em thấy bé nhỏ sức đề kháng tốt hơn chị, ăn uống rất ngon miệng, ăn nhanh và nhanh nhẹn chứ không biếng ăn như chị hồi trước ah. Hiện tại bé vẫn đang phát triển tốt nhưng em đang lo các bước tiếp theo, để áp dụng đúng cho con Thầy ah.

4-Đồng thời huyết áp của em từ ngày ăn gạo lứt cũng xuống thấp hơn, chỉ được 93/60 mạch 77, người cũng gầy hơn và rất khó lên cân thầy ah. Em biết là phương pháp thực dưỡng này rất tốt nhưng có lẽ em áp dụng vẫn chưa đúng nên kết quả vẫn chưa được tốt đúng không ah?

5-Em xin Thầy cho em lời khuyên để em tiếp tục đi đúng trên con đường tìm tòi cải thiện sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và xã hội ah. Nếu như biết được điều gì hay, em đều có tâm nguyện chia sẻ cho mọi người Thầy ah. Em biết được phương pháp của mình là phải kết hợp Tinh-Khí-Thần nên thiết nghĩ mình có hiểu biết về ăn uống cân bằng để điều chỉnh Tinh và tập luyện khí công y đạo, thần thái luôn vui vẻ yêu đời thì sẽ có cuộc sống thật vui khỏe và có ích ah.

Thư của em viết dài quá, mong Thầy thông cảm vì em biết Thầy rất bận rộn, chăm lo cho rất nhiều chúng sanh. Em cảm ơn Thầy đã dành thời gian quý báu cho em ah. Em nguyện sẽ luôn cố gắng hết sức để sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội ah.

Em kính chúc Thầy luôn an lạc ah.

Học trò Mai Anh

Tp. Vũng Tàu- Việt Nam.

Trả lời :

1-Về áp huyết trẻ em, nhịp tim thường thay đổi thấp nhất 60, cao nhất 120 không đáng ngại khi cơ thể khỏe mạnh.

Trường họp bệnh là khi cơ thể các cháu bị sốt nhiệt hay cơ thể lạnh, chân tay lạnh mới là dấu hiệu bệnh.

Số 60 là nhịp tim thấp nhất, nhưng khi chúng chạy nhẩy nô đùa người nóng xuất mồ hôi thì nhịp tim nhanh 120 là bình thường, khi nghỉ ngơi, nhịp tim lại xuống thấp. Đối với người lớn nhịp tim đã cao hơn trẻ em (70-80), nên không thể chạy nhảy lâu như trẻ em để nhịp tim cao 120 sẽ bị mệt.

Còn những cháu nhịp tim cao 120 cũng vẫn không bệnh, nhưng các cháu có nhịp tim cao, thường là mập, thì lại không thể chạy nhẩy nô đùa như các cháu có nhịp tim thấp. Nếu khi các cháu này lớn tuổi hơn mà nhịp tim không hạ thấp thì các cháu sẽ bị bệnh tim lớn, hay các cháu cơ thể ốm yếu mà có nhịp tim nhanh là bệnh, cần phải cho tập thể dục để tăng sức cho cơ thể làm nhịp tim chậm lại, giống như các lực sĩ thường có nhịp tim 55-60, nên họ chạy nhanh cũng không thấy mệt.

2-Ăn Gạo Lức Muối Mè Tốt hay Xấu cho sức khỏe ?

Nếu đúng trên quan điểm chữa bệnh, thì thức ăn uống hay thuốc men đều có tính chữa bệnh, nó tương đương với vị thuốc chữa bệnh, chúng ta có thể kiểm chứng được bằng những kết qủa xét nghiệm y khoa, có cân đong đo đếm cho ra con số cụ thể bằng cách đo áp huyết, thử đường, choledterol, men gan, hồng cầu, bạch cầu, thể trọng..trước và sau mỗI bữa ăn hay xét nghiệm máu sau 1-3 tháng…

A-Công dụng chữa bệnh của Gạo Lức Muối Mè về mặt tốt :

Ăn gạo lức muối mè thay cho những bữa cơm chính, không ăn đụng, ăn tạp, nó có công dụng giảm mập, làm ốm gầy, hạ áp huyết, hạ cholesterol, hạ đường, giảm men gan…

Cho nên trước khi ăn, chúng ta cần đi thử máu, đo áp huyết, cân thể trọng. Sau khi ăn được 1 tháng, nên kiểm tra lại xem những tiêu chuẩn thử nghiệm đã lọt vào tiêu chuẩn chưa, nếu chưa lọt vào tiêu chuẩn thì tiếp tục áp dụng, nếu đã lọt vào tiêu chuẩn của xét nghiệm thì ngưng.

Đối với những người có bệnh cao áp huyết, sẵn có máy đo áp huyết, đo đường ở nhà thì chúng ta muốn biết ăn Gạo Lức Muối Mè có kết qủa chữa bệnh hay không, Chúng ta nên đo áp huyết theo dõi mỗi ngày và so sánh với tiêu chuẩn áp huyết theo tuổi dưới đây :

Đây là bảng tiêu chuẩn áp huyết theo loại tuổi theo kinh nghiệm của khí công y đạo :

95-100/60-65mmHg, mạch tim đập 60 là áp huyết ở tuổi thiếu nhi.( 5 tuổi-12 tuổi)

100-110/60-65mmHg, mạch tim đập 65 là áp huyết ở tuổi thiếu niên (13 tuổi – 17 tuổi)

110-120/65-70mmHg, mạch tim đập 65-70 là áp huyết ở tuổi thanh niên (18 tuổi-40 tuổi)

120-130/70-80mmHg, mạch tim đập 70-75 là áp huyết ở tuổi trung niên (41 tuổi-59 tuổi)

130-140/80-90mmHg, mạch tim đập 70-80 là áp huyết ở tuổi lão niên (60 tuổi trở lên)

Tiêu chuẩn đường trong máu khi bụng đói chưa ăn từ 6.0-8.0mmol/l, sau khi ăn từ 8.0mmol/l-12.0mmol/l.

B-Công dụng chữa bệnh của Gạo Lức Muối Mè về mặt Xấu :

Bản thân của Gạo Lức Muối Mè là một vị thuốc chữa bệnh, thật ra nó không có xấu tốt, nhưng bệnh của mình không cần phải dùng đến nó, nhưng nghe nhiều người đã chữa khỏi bệnh bằng gạo lức muối mè, nên bắt chước ăn theo, mà không theo dõi áp huyết, đường…nên càng ăn bệnh càng nặng hơn mà không biết tại sao. Theo giáo lý đạo Phật, đó là mê chướng.

Tôi đã 72 tuổi, tôi xin lỗi gọi cháu bằng cháu nhé.

Như cháu cũng đã thấy sự thật, trường hợp cháu ăn gạo lức muối mè làm áp huyết xuống thấp 93/60 mạch 77, người cũng gầy hơn và rất khó lên cân.

Theo tiêu chuẩn của KCYĐ áp huyết phải tương xứng với từng loại tuổi khác nhau, nhờ nó mà KCYĐ biết và chữa được rất nhiều loại bệnh có liên quan đến áp huyết.

Còn các bác sĩ tây y cho rằng người nào có áp huyết từ 100 đến dưới 140 đều tốt, không lo bị bệnh cao áp huyết.

Vì không phân theo loại tuổi, cho nên có ba loại bệnh về áp huyết mà tây y không chữa đúng nguyên nhân, bệnh thứ nhất là chảy máu cam ở trẻ em do áp huyết cao, thay vì áp huyết trẻ em từ 95 đến 100, nhưng khi chảy máu cam là áp huyết đã tăng lên 120 như người lớn, do ăn no làm tăng áp huyết, do chạy nhảy nô đùa hay do nóng nắng làm tăng nhịp mạch, vỡ mạch máu mũi.

Bệnh thứ hai là bệnh động kinh co giật ở trẻ em, cũng do áp huyết cao, khi chúng có dấu hiệu nóng đầu là áp huyết tăng thì sắp sửa bị cơn co giật té ngã.

Nhưng nguy hiểm hơn hết là loại bệnh thứ ba mọi người đều không biết nguyên nhân vì sao, đó là bệnh ung thư, theo KCYĐ khi người lớn có áp huyết từ nhỏ đến lớn lúc nào cũng như áp huyết trẻ em, không khác nào giống như một cây đang phát triển mà từ lúc cây còn bé chỉ tưới 1-2 ly nước là đủ, nhưng đến lớn cũng tưới 1-2 ly nước, nên khi cây phát triển thiếu nước, các tế bào cây chết dần thành nhiều bướu cây. Con người cũng vậy, áp huyết chính là khí huyết trong con người phải tăng lên theo tuổi, khi còn bé cơ thể có 1 lít máu, khi lớn cơ thể tăng 2 lít máu, lớn nữa cơ thể do ăn nhiều hấp thụ chất bổ tạo thành máu tăng lên, do đó mà áp huyết phải tăng theo tuổi. Cho nên những người tuổi trung niên phải có áp huyết nằm trong tiêu chuẩn KCYĐ là :

120-130/70-80mmHg, mạch tim đập 70-75 là áp huyết ở tuổi trung niên (41 tuổi-59 tuổi)

Nếu khi đo áp huyết chỉ bằng trè em thì cơ thể đã thiếu máu nuôi các tế bào, sẽ là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư do tế bào bị hủy hoại dần. Đó là lý do tại sao ung thư khó chữa.

Kinh nghiệm của KCYĐ đã phát hiện ra khi đo áp huyết ở những bệnh nhân ở tuổi trung niên đến lão niên, có áp huyết dưới 90mmHg là có nguy cơ ung thư. Khi áp huyết xuống 80 là đang bị ung thư và đang chữa trị theo tây y, phương pháp vừa tiêu diệt tế bào ung thư vừa làm tổn hại tế bào lành, khiến bệnh nhân mất sức, bị đau đớn, kém ăn, suy nhược, khí huyết mất dần làm áp huyết tụt xuống 70mmHg thì máu trong cơ thể không còn đủ để tuần hoàn, cơ thể lạnh, đau đớn, khó thở, lịm dần cho đến khi chết.

KCYĐ hướng dẫn những bệnh nhân ung thư cần ăn và uống những thuốc bổ thêm máu để nuôi dưỡng tế bào, khi đang điều trị, mỗi ngày cần phải kiểm tra áp huyết, nếu thấy thấp phải báo cho bác sĩ kịp thời điều chỉnh liều thuốc hay chỉnh lại thời gian trị liệu để cơ thể có đủ thời gian phục hồi lại sức khỏe.

Riêng áp huyết của cháu hiện nay xuống do ăn gạo lức muối mè, đã xuống 93, nếu cháu ăn tiếp thêm 1 năm nữa, cơ thể sẽ suy nhược, thì tế bào bị hủy hoại dần, dễ bị bệnh ung thư.

Nói về áp huyết, tôi có một người bạn già, trong gia đình và các bạn của ông đều là bác sĩ, theo dõi áp huyết của ông rất kỹ, ông vẫn uống thuốc chữa bệnh cao áp huyết, và áp dụng ăn gạo lức muốI mè, gần như là ăn chay, mà thực ra áp huyết của ông đã xuống còn 100, nhưng đối với tây y vẫn phải uống thuốc áp huyết suốt đời, do đó cơ thể ông bị mệt, người bần thần mệt mỏi, bải hoải, không có sức.

Ông đến tôi để khám bệnh, tôi cho ông biết, sức khỏe ông nguy rồi, ông bị bệnh áp huyết thấp chứ không còn cao nữa, nên các tế bào mất máu nuôi dưỡng sẽ chết dần, làm mọi chức năng tạng phủ suy yếu, mất tính hấp thụ và chuyển hóa, sẽ mất ăn mất ngủ, đau nhức do thiếu máu tuần hoàn. Ông cho biết : Hôm qua người bạn bác sĩ rất thân, gọi nhau bằng mày-tao, nó khen áp huyết của tôi tốt lắm mà.

Khi ông về, người ông suy nhược trầm trọng, phải vào bệnh viện cấp cứu, tây y không tìm ra bệnh, ông ngủ lịm dần và đã chết trong bệnh viện một tuần lễ sau.

Tôi muốn nói đến áp huyết rất quan trọng để biết tình trạng khí huyết trong con người còn đủ hay thiếu khi hấp thụ thức ăn đúng hay sai. Như vậy đồi với người cao áp huyết thì thức ăn gạo lức muối mè đã hấp thụ chuyển hóa thành thuốc chữa bệnh đúng. Còn người áp huyết thấp dùng gạo lức muối mè là sai.

Sau khi có phong trào ăn gạo lức muối mè chữa bệnh, mọi người đua nhau ăn, tất cả đều giảm cân, áp huyết xuống thấp, hết cholesterol…rõ ràng có kết qủa. Nhưng không ai thống kê theo dõi áp huyết.

Nếu chúng ta biết theo dõi áp huyết, đường, mỡ trong máu, men gan, bằng những xét nghiệm định kỳ và đo áp huyết, đo đường mỗi ngày, khi chúng từ cao xuống thấp lọt vào tiêu chuẩn thì ngưng, không cần thiết ăn gạo lức để chữa bệnh nữa.

Vì không biết điều này, cứ tiếp tục ăn cho đến khí người gầy ốm, mất sức, áp huyết thấp, cơ thể suy nhược, tây y phát hiện ra ung thư mà không tim ra nguyên nhân, thì đã qúa muộn, không cứu kịp, nên nhiều người đã bỏ mạng sau một đêm ngủ sáng không còn dậy nổi nữa.

Trong các chùa phật tử rủ nhau ăn gạo lức muối mè, nên nhiều người đã trở nên gầy ốm suy nhược, áp huyết thấp, âm thầm ra đi, điều này ít ai biết.

Tránh tình trạng lạm dụng cách ăn gạo lức muối mè để chữa bệnh một cách không cần thiết cho cơ thể, chúng ta nên đo áp huyết theo dõi mỗi ngày, khi thấy áp huyết lọt vào tiêu chuẩn thì ngưng, đừng để áp huyết thấp dưới tiêu chuẩn sẽ khó chữa cho áp huyết tăng được nếu không ăn uống những chất tăng máu, hay uống thuốc bổ máu.

Đã có nhiều người mời tôi vào bệnh viện chữa cho thân nhân đang cấp cứu trong bệnh viện, nhưng tôi cũng đành bó tay, đều không chữa được, lý do áp huyết đã xuống 80-90, hỏi nguyên nhân tại sao phải vào bệnh viện, thân nhân đều trả lời do suy nhược, mất sức, chóng mặt, ở nhà đi thường hay té ngã, vẫn đang uống thuốc chữa cao áp huyết, chỉ tưởng té ngã hôn mê do tai biến mạch máu não. Tôi hỏi thường ăn uống những thức ăn gì, họ đều cho biết đang theo phương pháp Gạo Lức Muối Mè được 5 năm. Chính bệnh nhân đã phạm sai lầm, vừa làm hạ áp huyết bằng thuốc, vừa làm hạ áp huyết bằng gạo lức muối mè khiến áp huyết xuống nhanh thê thảm.

Từ trước đến nay chưa ai tiết lộ điều này, vì theo tây y hạ áp huyết xuống đến 100 lại cho là rất tốt, nên ngay cả bác sĩ khi bị bệnh cao áp huyết, do uống thuốc áp huyết xuống thấp dưới 100, chân yếu hay té ngã, mệt, khó thở, mà vẫn phải uống thuốc hạ áp huyết.

5-Phương Pháp ăn gạo lức muối mè tốt không làm áp huyết thay đổi.

Phương pháp Oshawa đã được áp dụng từ lâu, rộ lên một thời rồi chìm, hai ba lần, nay lại rộ lên phong trào rồi cũng sẽ lại chìm vì nhiều người từ bệnh thành khỏe rồi suy nhược thiêu dinh dưỡng, âm thầm ra đi lìa bỏ thế gian.

Tôi được người bạn giới thiệu ăn gạo lức muối mè từ năm 1968, chỉ gạo lức muối mè, không uống nước, giống như ăn chay, không ăn đụng thức ăn mặn, có thể ăn thêm rau.

Mỗi miếng cơm nhai 50 lần, ăn xong 1 chén cơm mất 1 giờ. Tối đa chỉ ăn được 2 chén cơm, vừa mất thời giờ, vừa nhai mỏi miệng, tính liều lượng chất bổ của 2 chén cơm thì không được bao nhiêu để nuôi tế bào đối với người gầy ốm. Bạn tôi cũng đã chết, vì người ốm xơ xác chứ không mập mạp.

Tôi nghĩ muốn tiếp tục ăn gạo lức muối mè thì ít nhất cũng phải ăn được 5-7 chén cơm mỗi ngày bù lại so với người có ăn thêm chất đạm, nhưng thời gian ăn nhai không cho phép. Tôi đã chế biến cách nấu riêng cho tôi như sau :

Lấy 2 chén gạo lức vàng vo như vo gạo trắng, nhưng khi nấu, tôi đổ 8 chén nước, định nấu cháo, nên nấu lâu, nhỏ lửa cho gạo nhừ, ai dè gạo lức nở rất to và cạn thành cơm.

Ăn với muối mè thêm đậu phộng rang, ít đường, giã trộn đều cho có thêm chất đạm.

Khi bỏ miếng cơm vào miệng nhai, gạo không nát mà mềm, vỏ gạo không cứng, vừa nhai, vỏ gạo vỡ ra chảy ra một loại nước như sữa tan trong miệng, không phải nhai lâu mỏi răng, trong 30 phút ăn hết nồi cơm, lại dễ ăn có mùi vị ngon, ăn xong chiều bụng lại đói, nên những lần nấu cơm sau, tôi nấu 3 chén gạo lức với 12 chén nước. Tính trung bình mỗi bữa cơm tôi ăn 7-8 chén cơm mới no, cơ thể có nhiều nước từ gạo, nên cơ thể đủ nước, một năm tôi lên cân được 10 kgs, da thịt chắc, trẻ lại. Tôi cũng phải ngừng, tiếp tục ăn nữa thành người mập phì.

Đó là kinh nghiệm của tôi, tùy mọi người áp dụng muốn tăng cân hay giảm cân, đều phải theo dõi áp huyết, thể trọng, khi sử dụng cho phù hợp với tình trạng bệnh của mình.

Muốn tăng huyết, có thể uống thêm B12, ăn thêm Củ Dền Đỏ, Rau Dền, tất cả những thức ăn uống thuốc men là bổ Tinh, muốn giữ tinh huyết cần phải tập luyện thêm khí để bảo quản máu tuần hoàn tốt bằng cách tập toàn bài thể dục khí công, và tập thở thiền để dưỡng Thần, mới gọI là Tinh-Khí-Thần hòa hợp, cơ thể mới khỏe mạnh, không bệnh tật.

Thân

doducngoc